Ý nghĩa huyền thoại Mộc thạch tiền minh trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng - pdf 25

HỒNG LÂU MỘNG
1.2 Tác phẩm “ Hồng lâu mộng”
1.2.1 Vị trí tác phẩm trong nền văn học Trung Quốc
Hồng lâu mộng (giấc mộng lầu son) còn có tên là Thạch đầu ký (Câu chuyện hòn đá),Kim Lăng thập nhị kim thoa (Mười hai chiếc trâm vàng đất Kim Lăng) là bộ tiểu thuyết hiện thực vĩ đại xuất hiện vào thời Càn Long (cuối thế kỷ 18). Đây là tác phẩm có ý nghĩa cắm mốc một giai đoạn văn học vì dung lượng đồ sộ, sự thành thục trong phương pháp sáng tác, sự âm vang của những chuyển mình lịch sử mà nó mang đến cho người đọc.
Đầu niên hiệu Gia Khánh, Hồng lâu mộng đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước, người ta tranh nhau mua đọc, thậm chí còn có câu “Khai đàm bất thuyết Hồng lâu mộng, độc tận thi thư diệc uổng nhiên” (Mở đầu câu chuyện mà không nói Hồng lâu mộng thì đọc hết thi thư cũng uổng công). Hồng Lâu Mộng là một bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn. Cái vẻ ngoài tôn nghiêm nề nếp không che đậy được thực chất mọt ruỗng của giới thượng lưu sống trong Giả phủ. Cuộc sống xa hoa, dâm ô cố hữu của giai cấp bóc lột và những mối quan hệ tàn nhẫn giữa họ với nhau đã đưa Giả phủ vào con đường tàn tạ không cứu vãn được. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc đời Thanh. Cái cảm giác "cây đổ vượn tan", "chim mỏi về rừng" đã chi phối ngòi bút Tào Tuyết Cần, chứng tỏ ông là nhà văn hiện thựcbáo hiệu buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến. Với nhãn quan của một người dân chủ, nhà văn còn nhìn thấy những con người mới mang tư tưởng phản truyền thống. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc chính là những đứa con "bất hiếu" của gia đình mình, họ chống quan niệm trọng nam khinh nữ truyền thống, chán ghét khoa cử công danh, theo đuổi một cuộc sống tự do, chống lại khuôn phép ràng buộc. Họ yêu nhau vì phản nghịch, càng phản nghịch họ càng yêu nhau. Đó là hồi âm của cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ sơ khai và tư tưởng phong kiến.
Hồng lâu mộng được xếp vào hàng một trong Tứ đại kì thư Trung Hoa gồm Hồng lâu mộng, Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tây du kí của Ngô Thừa Ân và Thủy Hử của Thi Nại Am, được đánh giá là "tuyệt thế kì thư" (pho sách lạ nhất đời), thật sự phản ánh toàn diện và sâu sắc gương mặt văn hoá Trung Hoa.
Sự truyền bá rộng rãi của cuốn tiểu thuyết này đã dẫn đến việc ra đời một ngành học lấy tên là Hồng học. Giới nghiên cứu tổ chức định kì Hội thảo Hồng lâu mộng có quy mô toàn quốc. Sở nghiên cứu Hồng lâu mộng có tạp chí chuyên san để đăng tải những nghiên cứu về Hồng lâu mộng... Hồng học ngày nay đã trở thành một ngành học vấn ở phạm vi quốc tế. Trên thế giới chỉ có nhà soạn kịch vĩ đại Shakespeare là cũng có vinh dự này.
Lỗ Tấn cũng nhận xét:“Điểm khác biệt của Hồng lâu mộng với các cuốn tiểu thuyết trước đây là dám tả thật không che đậy. Bởi vậy, các nhân vật được miêu tả ở đây đều là những con người thật. Nói chung sau khi Hồng lâu mộng ra đời, cách viết và cách tư duy truyền thống đã hoàn toàn bị phá vỡ...”
Nhà Hán học Xô Viết nổi tiếng, viện sĩ N.S.Konrad đánh giá Hồng lâu mộng như sau: “Tiểu thuyết Hồng lâu mộng là một tác phẩm hiện thực chủ nghĩa tiêu biểu. Đó là một bức tranh vĩ đại về quy mô cũng như về ý nghĩa của cuộc sống xã hội Trung Quốc thế kỉ XVIII”.
Cuốn Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2 thì khẳng định: “Thành tựu to lớn của Hồng lâu mộng trước hết ở tài xây dựng nhân vật, và xây dựng rất nhiều nhân vật cùng một lúc... Những nhân vật đó sống động, có máu thịt, có cá tính rõ nét. Có một số nhân vật nhà văn chỉ phác hoạ sơ qua vài nét nhưng cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Đáng chú ý là, trong Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần miêu tả nhiều nhất là phụ nữ, mà chủ yếu lại là những thiếu nữ giống nhau hay na ná như nhau về độ tuổi, hoàn cảnh sống, cách sống. Rõ ràng điều đó làm cho việc miêu tả gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng Tào Tuyết Cần không những có thể miêu tả được hết sức rõ ràng cá tính của từng người, mà đến cả những tính cách gần giống nhau chỉ khác ở những nét đặc trưng hết sức tinh tế, cũng được ông khắc hoạ rõ ràng tỉ mỉ...”
Vào khoảng tháng 10 năm 1954, từ bức thư của Mao Trạch Đông, một cuộc tranh luận về giá trị cách mạng của những tác phẩm văn học cổ điển đã lan ra khắp đất nước Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã đọc nhiều lần Hồng Lâu Mộng và những công trình nghiên cứu về tác phẩm này. Cuối cùng ông đưa ra một kết luận thật bất ngờ: “Mỗi người nên đọc cuốn tiểu thuyết này 5 lần trước khi muốn đưa ra bất kì một nhận xét gì về nó. Dẫu đã từng được cày nát qua nhiều thế kỉ, cuốn sách với hơn 600 nhân vật độc đáo và đa dạng Hồng Lâu Mộng vẫn là một kho chứa nhiều điều bí ẩn”.
1.2.3 Giá trị tác phẩm
a. Nội dung
Hồng lâu mộng không chỉ có giá trị ở văn hay, ở cốt truyện tình éo le, gay cấn, ở lối miêu tả tinh vi mà còn ở việc đã phản ánh được một cách trung thực xã hội Trung Hoa hồi thế kỷ 17 – 18, đã nói lên được tiếng nói đau thương của một lớp thanh niên nam nữ đương thời và vạch ra được chiều hướng tan rã tất yếu của chế độ gia đình khắc nghiệt của xã hội mục nát đời Mãn Thanh.
Có thể nói: “Hồng lâu mộng chủ yếu là viết về một chuyện tình duyên bi thảm. Bộ sách lấy chuyện yêu đương làm trung tâm, liên hệ với bối cảnh xã hội rộng rãi, vạch trần cuộc sống xấu xa , hoang dâm của giai cấp thống trị phong kiến và từ đó vạch cho ta thấy vận mệnh lịch sử của xã hội phong kiến tất phải đi đến chỗ sụp đỗ. Hồng lâu mộng phản ánh một cách phức tạp, lắt léo nhiều hiện tượng xã hội quan trọng của thời kì lịch sử ấy, không phải chỉ thông qua bi kịch tình yêu mà còn thông qua quá trình thịnh suy của một đại gia đình quý tộc”. (Lịch sử Văn học Trung Quốc, tập 2, NXB Giáo dục). Hồng lâu mộng vạch trần bộ mặt xấu xa, đen tối của xã hội phong kiến sắp đến hồi suy tàn dưới mọi hình thức dù là trực tiếp hay gián tiếp. Trong cuộc sống sinh hoạt bình thường của nhà họ Giả, Tào Tuyết Cần đã vạch ra những ý nghĩa khác thường. Bộ tiểu thuyết đã biểu lộ sự chán ghét cùng cực, lòng phẫn nộ, phản kháng đối với cuộc sống trong thời đại phong kiến, là một tác phẩm hiện thực kiệt xuất phê phán toàn diện xã hội phong kiến. Từ pháp lệnh chế độ, đạo đức pháp luật, văn hóa giáo dục, tôn giáo tín ngưỡng, tư tưởng quan niệm, phong tục, tập quán,…tất cả đều được đề cập đến rộng rãi và sâu sắc . Ông đã phê phán chúng theo tinh thần hiện thực chủ nghĩa. Trong Hồng lâu mộng ta bắt gặp sự phá vỡ hoàn toàn giới hạn tư tưởng lấy đạo đức phong kiến làm tiêu chuẩn cho tình yêu, lấy vinh dự phong kiến làm lí tưởng hạnh phúc của tình yêu. Hòng lâu mộng thể hiện sâu sắc rằng tấn bi khịch tình yêu của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc không phải do nhân tố ngẫu nhiên nào gây ra mà do chính xã hội phong kiến Trung Quốc thế kỉ XVIII vùi dập tình yêu ấy. Đây cũng là bi kịch của những tính cách, của thời đại, bi kịch của lực lượng chống phong kiến còn chưa địch nổi thế lực hủ bại thủ cựu còn lớn mạnh kia. Ngoài chủ đề tình yêu, tác giả đã làm cho đầy đủ thêm, nâng cao thêm bằng nội dung có tính chất chính trị và xã hội phong phú. Thông qua tình yêu, ông đã đề cập sâu sắc đến nhiều vấn đề xã hội trọng đại và hoàn chỉnh.


or15VON29dh434p
Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status