Phong trào nữ quyền tại Ấn Độ sau 1947 - pdf 26

Luận văn:Phong trào nữ quyền tại Ấn Độ sau 1947 : Luận văn ThS. Khu vực học: 60 31 06 01
Nhà xuất bản:ĐHKHXH & NV
Ngày:2014
Miêu tả:116 tr. + CD-ROM
Luận văn ThS. Châu Á học -- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Bất bình đẳng về giới tính là một vấn nạn tồn tại dai dẳng trong xã
hội Ấn Độ từ xưa cho đến nay làm cho vai trò và địa vị của nữ giới ở quốc gia
này luôn luôn bị xem nhẹ. Nếu như văn hóa Ấn Độ đề cao và tôn thờ tính nữ
thiêng liêng thì trong hệ tư tưởng, các thiết chế xã hội và cấu trúc gia đình, giá
trị và quyền lợi của người phụ nữ lại bị phủ nhận gần như tuyệt đối. Những
hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người phụ nữ: của hồi môn,
cưỡng bức, bạo lực gia đình, phá thai chọn lọc diễn ra khá thường xuyên tại
Ấn Độ hiện nay…. phản ánh sự tồn tại dai dẳng của của tư tưởng “trọng nam
khinh nữ” vốn đã ngự trị trong xã hội Ấn Độ từ thời cổ đại. Do sự cản trở nữ
giới phát huy cao nhất khả năng, trình độ của mình, bất bình đẳng giới đã làm
chậm một bước trình độ phát triển của Ấn Độ trên nhiều phương diện, trong
đó có cả phương diện kinh tế, chính trị và văn hóa, văn minh đồng thời khiến
cho hình ảnh đất nước Ấn Độ thân thiện, khoan hòa, nhân ái ít nhiều bị méo
mó trong mắt người nước ngoài.
Tất nhiên, cùng với nhận thức ngày càng cao của nhiều tầng lớp trong
xã hội Ấn Độ về quyền con người, làn sóng đấu tranh giành nữ quyền ở Ấn
Độ đã dấy lên ở nhiều nơi và đạt được những thành tựu nhất định. Nhưng
dường như đó mới chỉ là điểm xuất phát cho một chặng đường dài phải đi, bởi
đến tận ngày nay, nhắc đến Ấn Độ người ta vẫn nhắc đến nhiều hơn những tệ
nạn liên quan đến việc đối xử bất bình đẳng với phụ nữ hơn là những hành
động đấu tranh để bảo vệ họ. Câu hỏi đặt ra là: phong trào đấu tranh giành nữ
quyền ở Ấn Độ đã diễn ra như thế nào, đạt được thành tựu gì và tại sao nó
chưa đạt được thành công như mong đợi? Nói cách khác, tìm hiểu về Phong
trào nữ quyền ở Ấn Độ chính là một phần của việc tìm hiểu thực trạng bức
tranh bất bình đẳng giới ở Ấn Độ hiện nay để tìm ra những biện pháp thỏa
đáng nhằm đấu tranh chống lại tình trạng đó.
Nhìn rộng ra, Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới phải
đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ. Từ phương Tây đến
phương Đông, chưa một quốc gia nào khẳng định có sự bình đẳng tuyệt đối
giữa nam giới và nữ giới, đồng nghĩa với việc phong trào nữ quyền vẫn chưa
bao giờ dừng lại ở bất kỳ một nơi nào đó. Khác với những cuộc đấu tranh
khác trong lịch sử nhân loại, có lẽ do những đặc điểm giới tính quy định,
phong trào nữ quyền là những cuộc đấu tranh ít bạo lực và thương vong
nhưng không vì thế mà kém phần quyết liệt. Cuộc đấu tranh đó đang trở nên
mạnh mẽ hơn khi những tiếng kêu cứu vọng tới từ Ấn Độ bởi những nạn nhân
gần đây của các vụ cưỡng bức và bạo lực tập thể diễn ra liên tiếp trong năm
2013. Điều đó cũng có nghĩa là phong trào nữ quyền ở Ấn Độ đã và sẽ gắn bó
mật thiết với phong trào đấu tranh giành nữ quyền trên thế giới, mỗi một bước
phát triển của nó sẽ có sức ảnh hưởng không nhỏ đến những phong trào, tổ
chức ra đời vì phụ nữ, nhất là các tổ chức phi chính phủ. Đánh giá những
thành công và thất bại của phong trào nữ quyền ở Ấn Độ sẽ cho thấy được
những thuận lợi và khó khăn mà phong trào nữ quyền trên thế giới sẽ gặp phải
trong thời gian tới.
Cuối cùng, là một quốc gia phương Đông còn mang nặng tính truyền
thống với chế độ phụ quyền còn bám rễ sâu sắc vào tư tưởng nhận thức đại bộ
phận dân cư, Việt Nam có những đặc điểm về bất bình đẳng giới tương đồng
với Ấn Độ. Và giống như Ấn Độ, phong trào nữ quyền ở Việt Nam tuy có
những thành công bước đầu song vẫn chưa thể hoàn thành những mục tiêu và
nhiệm vụ căn bản trong việc giải phóng phụ nữ. Tìm hiểu về phong trào nữ
quyền ở Ấn Độ, đánh giá những bài học kinh nghiệm của phong trào này
không chỉ giúp hiểu rõ về một khía cạnh của bức tranh đời sống xã hội ở Ấn
Độ mà còn có thể đúc kết những bài học thực tiễn cho những phong trào vì sự
tiến bộ phụ nữ ở Việt Nam.

/file/d/0Bz7Zv9 ... sp=sharing
Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status