NGHIÊN CỨU QUY TRÌNH TẠO SINH KHỐI CHỦNG BACILLUS SUBTILIS - pdf 26

Link tải miễn phí luận văn

ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong quá trình nuôi trồng thủy sản, lượng thức ăn thừa và chất thải hữu cơ thải ra môi trường nuôi khá lớn. Các hợp chất hữu cơ này là nhân tố kích thích sự phát triển của VSV gây ô nhiễm ao nuôi làm mất cân bằng hệ sinh thái ao. Mặt khác, trong quá trình phân hủy không triệt để các hợp chất hữu cơ từ thức ăn thừa, chất thải và xác động vật nuôi sinh ra một số chất độc. Một số hợp chất độc (NH3, H2S, CH4…) và sự phát triển quá mức của VSV không có lợi trong môi trường nuôi làm giảm chất lượng nước dẫn đến tăng stress và tăng khả năng nhiễm bệnh, tôm cá phát triển còi cọc và tỷ lệ chết tăng cao.
Trước đây, người ta thường dùng những chất kháng sinh để phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm và tôm cá. Việc sử dụng kháng sinh trong một thời gian dài đã để lại nhiều hậu quả không mong muốn như sự kháng thuốc của vi khuẩn hay rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột dẫn đến khó điều trị hơn. Nghiêm trọng hơn là sự tồn dư kháng sinh trong thịt của các động vật này dẫn đến việc hạ giá thành sản phẩm, gây cản trở cho việc xuất khẩu làm thiệt hại rất lớn trong chăn nuôi. Do đó, để khắc phục được tình trạng này, biện pháp duy nhất giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản là sử dụng các phương pháp bền vững và thân thiện với môi trường. Trong đó, phương pháp sinh học là lựa chọn ưu tiên hàng đầu hiện nay. Thông qua sử dụng các chế phẩm sinh học các chất ô nhiễm sẽ được giảm thiểu tối đa và trả lại sự cân bằng sinh thái cho môi trường. Đặc biệt, phương pháp này sẽ không để lại hậu quả hay tồn dư như khi sử dụng các loại hóa chất và thuốc kháng sinh. Với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật, trong tương lai gần các chế phẩm sinh học sẽ ngày càng được áp dụng rộng rãi.
Phương pháp sinh học dựa vào quá trình hoạt động của các chủng vi sinh vật. Các chủng này có khả năng phân hủy các hợp chất hữu cơ đơn giản và phức hợp nhờ khả năng tổng hợp enzyme phân hủy hữu cơ (protease, amylase, cellulose…), đồng thời tạo ra chất đối kháng ức chế VSV gây bệnh. Một trong các loài vi sinh vật được chứng minh có nhiều khả năng trong xử lý ô nhiễm ao nuôi hiệu quả là Bacillus. Trong đó, chủng Bacillus subtilis đã và đang được sử dụng phổ biến trong thủy sản. Với nhiều hệ enzyme có tác dụng phân hủy các hợp chất hữu cơ thải ra từ thức ăn thừa và phế thải làm giảm sự tích lũy bùn hữu cơ nên chủng Bacillus subtilis được chúng tui lựa chọn để thực hiện quy trình thu nhận sinh khối nhằm sản xuất ra chế phẩm sinh học xử lý nước ao nuôi thủy sản.
Đề tài này nghiên cứu các điều kiện và nguồn dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của chủng Bacillus subtilis nhằm rút ra các điều kiện tối ưu cho quá trình thu nhận sinh khối. Nội dung của đề tài bao gồm:
- Nghiên cứu lựa chọn môi trường nuôi cấy tăng sinh cho chủng Bacillus subtilis.
- Khảo sát các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của chủng Bacillus subtilis như nhiệt độ, pH môi trường.
- Nghiên cứu các nguồn dinh dưỡng cacbon, nitơ và muối khoáng.
- Nghiên cứu khả năng tạo bào tử Bacillus subtilis.
- Nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian đến tốc độ sinh trưởng cho chủng Bacillus subtilis.
- Xây dựng quy trình thu nhận sinh khối Bacillus subtilis.














Chương 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Tình hình nghề nuôi thủy sản ở khu vực ĐBSCL
Trong những năm gần đây ngành nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành thuỷ sản nói riêng và cho nền kinh tế quốc dân nói chung. Trong các hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thức ăn, sản xuất giống thuỷ sản, thú y và đặc biệt là công tác phát triển hệ thống thuỷ lợi là không thể không nhắc đến.
Như chúng ta đã biết, hoạt động NTTS của Việt Nam chủ yếu được tiến hành ở vùng ĐBSCL - là vùng chiếm phần lớn cả về sản lượng và diện tích NTTS của cả nước với tổng diện tích có khả năng phát triển NTTS toàn vùng khoảng 1.377.800 ha và diện tích hiện đã đưa vào phát triển NTTS (2005) là 709.980 ha, tổng sản lượng NTTS (2005) đạt 1.014.590 tấn chiếm tới 72% tổng sản lượng NTTS toàn quốc. Dự tính đến năm 2010 ở khu vực ĐBSCL đối với nuôi thủy sản nước mặn-lợ là 649.430 ha, nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 366.590 ha [13]. Với hiện trạng phát triển như vậy hoạt động NTTS vùng ĐBSCL cũng cần có các đầu vào tương ứng bao gồm cả con giống, thức ăn và đặc biệt là nguồn cấp và thoát nước thích hợp. Điều này cho thấy nuôi trồng thủy sản ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL.
1.2. Ô nhiễm môi trường và giải pháp xử lý trong ao nuôi thủy sản
1.2.1. Tình trạng ô nhiễm môi trường
Vấn đề nóng bỏng hiện nay ở khu vực ĐBSCL là sự ô nhiễm môi trường nước ở các ao nuôi thủy sản. Theo đánh giá của các nhà khoa học, hằng năm các nguồn chất thải do nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL thải ra khoảng gần 500 triệu m 3 bùn và chất thải do nuôi trồng thủy sản. Riêng chất thải nuôi cá tra, cá ba sa đã trên 2 triệu tấn/năm [7]. Nguồn chất thải độc hại này hiện nay vẫn chưa được xử lý triệt để và được thải vào sông rạch trong khu vực làm ảnh huởng đến sinh hoạt của người dân. Ở nhiều địa phương, người dân phải đang đối mặt với các bệnh đường tiêu hóa, bệnh sốt xuất huyết, bệnh suy dinh dưỡng trẻ em và cả ngộ độc thực phẩm hay hóa chất trong quá trình sản xuất canh tác ở các vùng đất ngập nước nuôi trồng thủy sản. Do đó, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nước từ các ao nuôi cá tra ở ĐBSCL là cần thiết.
1.2.2. Nguyên nhân gây ô nhiễm
Tuy có rất nhiều nguyên nhân làm cho môi trường nước ở các sông và kênh rạch bị ô nhiễm như: các chất thải từ các khu công nghiệp, từ sản xuất lúa, từ nuôi thủy sản, các chất thải từ sinh hoạt của người dân. Trong đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại các khu vực nuôi thủy sản đang là vấn đề bức xúc. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do lượng thức ăn thừa tích tụ trong ao và sự gia tăng về diện tích ao nuôi.
Theo một số nghiên cứu cho thấy ô nhiễm tập trung chủ yếu vào dư lượng thức ăn thừa thãi của cá, tôm thối rữa bị phân hủy trong ao nuôi. Những chất thải trong ao nuôi được thải ra ngoài không chỉ gây dịch bệnh cho vật nuôi mà còn tác động tới sức khỏe của con người qua nguồn nước sinh hoạt. Bên cạnh đó hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản chưa bảo đảm không tuân thủ các qui định về bảo vệ môi trường như xây dựng hệ thống xử lý nước cấp, nước thải, chất thải từ ao nuôi, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trong nuôi trồng thủy sản, không xây dựng hệ thống ao lắng để xử lý nước trước khi cho vào ao nuôi và xử lý nước thải trước khi xả ra sông rạch. Điển hình là ở những khu vực nuôi cá tra hầm nổi tiếng dọc bờ sông Tiền, sông Hậu các chủ ao đầm xả nước thải ô nhiễm và bùn đáy ao ra sông rồi lại bơm trực tiếp nguồn nước ô nhiễm đó vào lại ao nuôi cá [8].
Đứng trước những vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản gây ra như hiện nay, cần có những biện pháp hữu hiệu để khắc phục nhằm đem lại nguồn nước sạch hơn cho vật nuôi lẫn con người.
1.2.3. Giải pháp khắc phục
Ðể bảo đảm phát triển lợi thế ngành nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cần thực hiện các biện pháp thích hợp để giải quyết những khó khăn về ô nhiễm. Hiện nay, có một số biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước nuôi thủy sản đang được áp dụng như giải pháp về cơ học, hóa học và sinh học.
1.2.3.1. Giải pháp cơ học
Giải pháp thường dùng hiện nay là dùng bơm để hút hết nước trong ao hay rải vôi trên khắp mặt ao hay dùng các hệ thống tái tuần hoàn nước. Hệ thống này được phát triển ở nhiều nơi chủ yếu để loại bỏ các tác nhân gây bệnh do virút trong các hệ thống nuôi. Chúng mang lại một số hiệu quả nhất định trong việc giảm lượng nước thải ra môi trường do lượng nước thải vào các thuỷ vực lân cận giảm đi đáng kể [7]. Ngoài ra, các hệ thống khép kín này giúp người NTTS ngăn ngừa các chất độc hại do các tác nhân gây bệnh, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Hệ thống tái tuần hoàn có thể được dùng để tăng cường việc diệt vi khuẩn, giúp loại bỏ các chất hữu cơ lơ lửng là những chất có thể chứa các tác nhân gây bệnh hay dư lượng hoá chất. Tuy nhiên giải pháp cơ học để hút chất thải ra ngoài đòi hỏi đầu tư rất lớn về chi phí vận hành máy móc và tốn kém trong việc xử lý chất thải. Nếu chất thải không được xử lý triệt để sẽ dẫn tới nguy cơ phát tán nguồn ô nhiễm ra kênh, rạch. Do đó, biện pháp cơ học không phải là giải pháp toàn diện cho vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường nước thủy sản.

/file/d/0Bz7Zv9 ... sp=sharing
Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status