Bước đầu nghiên cứu tạo Liposom Doxorubicin gắn PEG - pdf 27

Link tải luận văn miễn phí cho ae Kết nối

ĐẶT VẤN ĐỀ
Kể từ khi được phát hiện vào những năm 1960 bởi Bangham, liposom đã được
nghiên cứu rộng rãi và ứng dụng làm hệ mang nhiều thuốc khác nhau. Ưu điểm của
liposom là tính tương hợp sinh học và khả năng mang được cả các thuốc tan trong nước và
không tan trong nước khác nhau như thuốc điều trị ung thư, các kháng sinh, kháng sinh
chống nấm, glucocorticoid…Tuy nhiên, một trong những nhược điểm lớn nhất của liposom
khi sử dụng đường tiêm chính là bị thải trừ nhanh chóng khỏi vòng tuần hoàn do sự tóm
bắt của các tế bào thuộc hệ thực bào đơn nhân (MPS) [13],[30]. Một trong những biện
pháp hiệu quả để khắc phục nhược điểm này là gắn lên bề mặt liposom các polyme thân
nước, phổ biến là polyethylen glycol (PEG) với khối lượng phân tử từ 1000 đến 5000 Da
[11],[13]. Sự tăng thời gian tuần hoàn của liposom gắn PEG mang lại nhiều lợi ích: giảm
sự rò rỉ thuốc trong tuần hoàn, giảm các tác dụng không mong muốn của thuốc, làm tăng
cơ hội thoát mạch vào khoảng gian bào của liposom, tăng sự tích lũy của các thuốc chống
ung thư tại khối u và tăng hiệu quả điều trị [23],[30],[43],[55].
Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành ở trường Đại học Dược
Hà Nội nhằm đánh giá khả năng ứng dụng liposom làm chất mang thuốc. Trong đó,
liposom doxorubicin được nghiên cứu nhiều nhất và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích
lệ. Các nghiên cứu đã bước đầu đưa ra được quy trình sản xuất thuốc tiêm liposom
doxorubicin với hiệu suất liposom hóa doxorubicin lớn hơn 80%. Tuy nhiên, hầu hết các
nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo liposom từ nguyên liệu là phospholipid và
cholesterol, chưa có nghiên cứu nào sử dụng các dẫn chất polyme để làm tăng thời gian
tuần hoàn của liposom doxorubicin. Với mong muốn tạo ra các liposom doxorubicin có
khả năng tuần hoàn kéo dài, góp phần cải thiện tính hiệu quả của hệ mang thuốc liposom,
chúng tui đã tiến hành đề tài: “Bước đầu nghiên cứu tạo liposom doxorubicin gắn
PEG”.
Đề tài gồm có hai mục tiêu chính:
1. Chế tạo và đánh giá một số chỉ tiêu chất lượng của hỗn dịch liposom doxorubicin
gắn PEG.
2. Bước đầu nghiên cứu ảnh hưởng của gắn PEG lên bề mặt liposom tới thời gian
tuần hoàn trong máu của liposom doxorubicin.

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN
1.1. Đại cương về liposom
1.1.1. Khái niệm
Liposom là các túi nhỏ hình cầu có cấu tạo gồm lớp vỏ phospholipid bao bọc lấy
nhân nước ở giữa, có kích thước trong khoảng từ vài chục nanomet đến hàng chục
micromet [3],[18].
1.1.2. Thành phần cấu tạo của liposom
Hầu hết các hệ mang thuốc liposom được sử dụng hiện nay đều cấu tạo bởi các
phospholipid và cholesterol.
Phospholipid được dùng để chế tạo liposom có thể có nguồn gốc tự nhiên (như
phosphatidyl cholin, phosphatidyl serin..) hay tổng hợp (như dimyrisitoyl phosphatidyl
cholin (DMPC), distearoyl phosphatidyl cholin (DSPC)…[3]. Một thông số quan trọng đặc
trưng cho phospholipid cần quan tâm trong chế tạo liposom chính là nhiệt độ chuyển
pha. Nhiệt độ này phụ thuộc chủ yếu vào độ dài và độ bão hòa của chuỗi acyl. Nhìn chung,
chuỗi acyl dài hơn và bão hòa hơn thì nhiệt độ chuyển pha sẽ cao hơn [53].
Phosphatidyl cholin là phospholipid được sử dụng nhiều nhất để tạo liposom. Các
phosphatidyl cholin có nguồn gốc tự nhiên như từ lòng đỏ trứng hay từ đậu nành thường
chưa bão hòa, nhiệt độ chuyển pha thấp nên lớp lipid kép tạo thành có tính thấm cao, kém
ổn định. Trong khi đó, các phospholipid tổng hợp chứa các mạch acyl dài, bão hòa sẽ tạo
ra cấu trúc lớp kép chắc và khó thấm hơn [8],[46].
Phosphatidyl cholin thường được sử dụng phối hợp với các lipid khác, đặc biệt là
cholesterol để cải thiện độ ổn định in vitro và in vivo của liposom. Cholesterol có vai trò
điều chỉnh độ lỏng của màng phospholipid, góp phần làm tăng tính bền vững của liposom,
giảm tính thấm của màng lipid với các chất tan, bất kể phospholipid tạo liposom bão hòa
hay chưa bão hòa [53].
Ngoài hai thành phần trên, liposom có thể chứa thêm các polyme thân nước để tăng
thời gian tuần hoàn, các yếu tố hướng đích: kháng thể, acid folic, transferrin hay các chất
chống oxy hóa như alfa-tocoferol…
1.1.3. Phân loại
Có nhiều cách phân loại liposom khác nhau.
Dựa vào kích thước và số lớp, liposom có thể được chia thành 3 loại chính: liposom
đơn lớp, liposom đa lớp và liposom nhiều túi. (Bảng 1.1)
Bảng 1.1. Phân loại liposom theo kích thước và số lớp.
Loại liposom Ký hiệu
Kích thước
(nm)
Số lớp lipid
kép
1. Liposom đơn lớp UV 20 - 1000 1
Liposom đơn lớp nhỏ SUV 20 - 100 1
Liposom đơn lớp lớn LUV >100 1
Liposom đơn lớp lớn GUV > 1000 1
2. Liposom đa lớp
Liposom đa lớp nhỏ OLV 100 - 1000 Khoảng 5
Liposom đa lớp lớn MLV > 500 5 – 25
3. Liposom nhiều túi MV > 1000 Đa nhân
Dựa vào thành phần và ứng dụng, liposom có thể được phân chia thành các loại:
(1) Liposom truyền thống (conventional liposomes): liposom được tạo thành từ các
phospholipid khác nhau, cholesterol và có thể có các lipid khác nhưng không có bất kỳ sự
thay đổi nào trên bề mặt liposom [20].
(2) Liposom nhạy cảm với pH (pH-sensitive liposomes): sử dụng các phospholipid
nhạy cảm pH như dioleyl phosphatidyl ethanolamin, ứng dụng để tăng giải phóng thuốc ở
những vùng có pH acid nhẹ như các khối u tiên phát, các vị trí viêm [10].
(3) Liposom điện tích dương (cationic liposomes): liposom có chứa các lipid tích
điện dương, thường được sử dụng cho hệ mang ADN hay ứng dụng hướng đích [49].
(4) Liposom tuần hoàn kéo dài (Long-circulating liposomes): Là các liposom được
phủ lên bề mặt các polyme trơ, tương thích sinh học tạo thành một lớp bảo vệ bên ngoài
liposom, kéo dài thời gian tuần hoàn của liposom như: poly [N-(2-hydroxypropyl)
methacrylamid], poly-N-vinylpyrrolidon, polyvinyl alcol…và phổ biến nhất vẫn là
polyethylen glycol [49].
(5) Liposom hướng đích hay liposom miễn dịch (immunoliposomes): là liposom
được gắn thêm các ligand trên bề mặt, các ligand này có khả năng nhận biết, gắn vào tế
bào đích tạo điều kiện cho liposom tích lũy tại đích [49].
1.1.4. Các phương pháp tạo liposom
Có nhiều quy trình khác nhau để chế tạo liposom nhưng tựu chung lại đều trải qua
các giai đoạn sau:
Giai đoạn hydrat hóa hình thành liposom
Ở giai đoạn này, phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để tạo liposom quy mô
phòng thí nghiệm là phương pháp hydrat hóa màng lipid mỏng. Phospholipid và các thành
phần khác tạo vỏ liposom được hòa tan vào dung môi hữu cơ. Dung môi được bốc hơi
dưới áp suất giảm trong bình cất quay chân không tạo thành lớp màng mỏng trên thành
bình. Lớp màng mỏng được hydrat hóa bằng một dung dịch nước ở nhiệt độ trên nhiệt độ
chuyển pha của phospholipid tạo thành các liposom [3],[8].
Ngoài ra, một số phương pháp khác có thể sử dụng để tạo liposom bao gồm:
phương pháp bốc hơi pha đảo, phương pháp siêu âm, tiêm ethanol, tiêm ether, loại bỏ các
chất diện hoạt…[3],[8].
Giai đoạn điều chỉnh kích thước liposom
Liposom sau khi tạo thành từ giai đoạn hydrat hóa thường có kích thước lớn, kém
đồng nhất. Để khắc phục điểu này người ta có thể sử dụng một số phương pháp để làm
giảm kích thước tiểu phân như: siêu âm, đông chảy, vi dòng chảy, đồng nhất hóa dưới áp
suất cao, đẩy qua màng...[8].
Giai đoạn liposom hóa thuốc (tải thuốc vào khoang nước của liposom)
Giai đoạn này có thể tiến hành đồng thời với giai đoạn hydrat hóa tạo liposom hoặc
tiến hành sau khi liposom đã tạo thành.
Giai đoạn loại thuốc tự do (không được liposom hóa)
Nhiều thuốc thân dầu có ái lực cao với lớp kép và được gói hoàn toàn vào liposom.
Tuy nhiên, với nhiều hợp chất khác, hiệu suất liposom hóa thường nhỏ hơn 100%. Phần
thuốc không được liposom hóa có thể gây ra các tác dụng không mong muốn vượt giới hạn
cho phép hay làm mất ổn định về mặt vật lý của liposom. Để loại bỏ chúng, có thể sử
dụng các kỹ thuật như: thẩm tách, siêu li tâm, sắc ký lọc gel hay trao đổi ion…[8].

/file/d/0B7oUCI ... sp=sharing
Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status