Quá trình du nhập của nho giáo vào việt nam từ đầu công nguyên đến thế kỷ XIX - pdf 28

Link tải luận văn miễn phí cho ae Kết nối
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Là học thuyết triết học, chính trị, đạo đức Trung Quốc, ra đời ở thế kỷ VI
trước Công nguyên, sau đó lần lượt được truyền sang các nước Á Đông khác,
Nho giáo đã có mặt ở Việt Nam hàng ngàn năm nay và trải qua nhiều biến đổi.
Từ chỗ những ngày đầu còn xa lạ và bị phần lớn người Việt từ chối, sau thời
Bắc thuộc, Nho giáo đã dần được các triều đại Việt Nam tiếp nhận, sử dụng
làm hệ tư tưởng và công cụ trị nước, đào tạo ra những con người phù hợp với
mục đích cai trị của chế độ phong kiến nước nhà. Nho giáo đã trở thành một
trong những thành tố của truyền thống văn hóa Việt Nam, chi phối mạnh mẽ
đến tư duy và thái độ ứng xử của người Việt.
Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, vừa là
thời cơ cho sự hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là những
thách thức to lớn đối với vấn đề bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống của mỗi dân tộc trong bối cảnh mới của thế giới hiện đại. Trong
xu hướng đó, việc khẳng định và phát huy những yếu tố văn hóa bền vững, lâu
dài, làm nền tảng tinh thần cho sự tồn tại và phát triển của cả một dân tộc là
điều kiện hết sức thiết yếu. Nền văn hóa ấy tất yếu phải kế thừa và phát huy
tinh hoa văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc mà trong đó Nho
giáo đã từng giữ vai trò chủ đạo suốt nhiều thế kỷ. Việc nghiên cứu vấn đề
Nho giáo nói chung, quá trình Nho giáo du nhập Việt Nam nói riêng một mặt
nhằm xem xét những cơ sở lịch sử, chính trị và văn hóa mà Nho giáo có thể
bén rễ trong xã hội, những ảnh hưởng của Nho giáo thể hiện qua tư tưởng,
phong tục tập quán, lối sống, cách ứng xử xã hội... mặt khác để có thái độ đúng
đắn đối với một học thuyết đã có những ảnh hưởng sâu sắc đối với đời sống xã
hội của dân tộc trong lịch sử, đồng thời đem lại những bài học kinh nghiệm về
sự tiếp thu, vận dụng của dân tộc ta đối với Nho giáo nói riêng và các học
thuyết, tư tưởng ngoại lai nói chung vừa để tránh bị đồng hóa văn hóa vừa để
làm giàu thêm nền văn hóa của riêng mình.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Nghiên cứu về quá trình du nhập của Nho giáo vào Việt Nam được nhận
thức trong lý luận về sự chuyển đổi tư tưởng từ một nền văn hóa này sang một
nền văn hóa khác, thể hiện ở nhiều công trình nước ngoài, như: Learning as
Transformation: Critical perspectives on a theory in progress (2000) và
Perspective Transformation (2012) của Jack Mezirow; Organizational
Transformation: Approaches, Strategies, Theories, Amir Levy, Uri Merry,
Havard, New York, 1998; Understanding religious conversion, Lewis Rambo,
Yale University, 1993; Thought on the problem of religious conversion in
history, Propper Karl, London, Oxford University, 1986; Rambo’s stages of
conversion, Judy Harrow, Sociology and social Research (UNESCO), vol 36,
No 3; Religion and the transformation of society, Wilson Monica, Cambridge,
Cambridge University, 1971…
Về vấn đề Nho giáo nói chung, Nho giáo ở Việt Nam nói riêng đã thu hút
được sự quan tâm của rất nhiều tác giả với ba hướng nghiên cứu chủ yếu sau:
1. Hướng nghiên cứu điều kiện du nhập, đặc điểm và tiến trình lịch sử
của Nho giáo ở Việt Nam, có các công trình tiêu biểu như: Đại Việt sử ký toàn
thư, 3 tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998; Lịch sử tư tưởng Việt Nam,
tập 1, Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993 và tập
2, Lê Sỹ Thắng (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997; Lịch sử tư
tưởng Việt Nam, Nguyễn Đăng Thục (6 tập), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998;
Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Nguyễn Hùng Hậu (chủ biên),
tập 1, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2002; Đại cương lịch sử văn hóa Việt
Nam (tập 3) của Nguyễn Khắc Thuần, Nxb. Giáo dục, 1997; Sự phát triển
của tư tưởng Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng Tháng Tám của Trần Văn
Giàu, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993 (tập 1, tập 2); Nho giáo ở Gia Định
của Cao Tự Thanh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1996... cùng nhiều bài
viết trên các tạp chí Triết học và tạp chí Hán Nôm đề cập đến vấn đề này.
2. Hướng nghiên cứu nội dung tư tưởng, vai trò và ảnh hưởng của
Nho giáo ở Việt Nam, có các công trình như: Tập sách Khổng giáo phê bình
tiểu luận của Đào Duy Anh, Nxb. Quan Hải tùng thư, Huế, 1939, Nho giáo,
Trần Trọng Kim, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992; Nho giáo xưa và nay,
Vũ Khiêu (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991; Nho giáo tại Việt
Nam, Lê Sỹ Thắng (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, Đến hiện
tại từ truyền thống của Trần Đình Hượu, Nxb. Văn hóa, 1995; Nho học và Nho
học ở Việt Nam của Nguyễn Tài Thư, Nxb. Hà Nội, 1997; Một số vấn đề về
Nho giáo Việt Nam, Phan Đại Doãn (chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1998; Nho giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy, Nxb. Hà
Nội, 1998; Tìm hiểu tư tưởng chính trị Nho giáo Việt Nam từ Lê Thánh Tông
đến Minh Mệnh của Nguyễn Hoài Văn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002;
Học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam
của Nguyễn Thanh Bình, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007…
3. Hướng nghiên cứu việc kế thừa các giá trị của Nho giáo trong sự
nghiệp đổi mới, được đề cập trong tác phẩm Nho giáo và phát triển ở Việt
Nam, Vũ Khiêu, Nxb. Khoa học xã hội, 1997, các công trình của Lê Sỹ Thắng,
Trần Đình Hượu... và các bài viết trên tạp chí Triết học của các tác giả Nguyễn
Trọng Chuẩn, Nguyễn Tài Thư…
KẾT LUẬN
Sự du nhập một học thuyết, một tư tưởng ở một nền văn hóa nhất định là
hiện tượng có tính tất yếu. Mặc dù con đường du nhập Nho giáo vào Việt Nam
đầu tiên và chủ yếu là xuất phát từ quá trình xâm lược và đồng hoá dân tộc
Việt Nam của các triều đại phong kiến Trung Hoa, tuy nhiên, sau thời Bắc
thuộc, với yêu cầu xây dựng và củng cố bộ máy Nhà nước phong kiến quân
chủ tập quyền và duy trì trật tự xã hội, Nho giáo đã được người Việt chủ động
tiếp nhận và trở thành một công cụ tinh thần thiết yếu của Nhà nước. Sự du
nhập Nho giáo ở Việt Nam không mang tính sự kiện, cũng không giống nhau ở
mọi thời điểm mà là một quá trình liên tục và phức tạp. Trong thời kỳ Bắc
thuộc, người Việt đi từ chỗ ứng xử thụ động để bảo tồn cái bản địa và chối từ
cái mới áp đặt ngoại lai đến chỗ tiếp thu một số yếu tố văn hóa, lễ giáo phù hợp
với cộng đồng, đồng thời tiếp nhận và đề cao những tư tưởng, tôn giáo khác
như Phật giáo, Đạo giáo. Sau thời Bắc thuộc, Nho giáo được người Việt chủ
động tiếp nhận nhưng lúc đầu những ảnh hưởng của Nho giáo còn hạn chế, sự
tiếp nhận của người Việt đối với Nho giáo mang tính gạn lọc, kết hợp hài hòa
giữa các yếu tố truyền thống dân gian với các yếu tố Phật giáo, Đạo giáo. Từ
thế kỷ XV cho đến thế kỷ XIX, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống
của nhà nước phong kiến, để lại những ảnh hưởng sâu sắc đối với xã hội Việt
Nam, cả tích cực lẫn tiêu cực. Giai đoạn này, Nho giáo được tiếp nhận với
nhiều nội dung khác nhau, từ Nho giáo Khổng - Mạnh, Hán Nho cho đến
Tống Nho, Minh Nho, Thanh Nho, trong đó Nho giáo Tống - Minh có ảnh
hưởng nhiều nhất đến những người theo học đạo Nho ở Việt Nam. Quá trình
tiếp nhận Nho giáo cũng chính là quá trình biến đổi và tái tạo các yếu tố tư
tưởng, quan niệm của nó, làm cho Nho giáo không còn như ban đầu mà là Nho
giáo đã được biến đổi cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn của xã hội, với
truyền thống và tâm thức của người Việt Nam.
Nhìn chung, quá trình Nho giáo du nhập Việt Nam là một quá trình
phức tạp, với nhiều giai đoạn. Gắn với từng giai đoạn này là mục đích, cách
thức, nội dung, tính chất khác nhau của sự truyền bá và tiếp nhận Nho giáo.
Trong quá trình đó, Nho giáo cũng đồng hành và tác động qua lại với Phật
giáo, Đạo giáo tạo thành hiện tượng dung hợp tam giáo ở Việt Nam. Tuy
nhiên, dù là tiếp thu Nho giáo hay dung hợp tam giáo thì người Việt vẫn dựa
trên nội lực riêng của mình. Nội lực đó là các giá trị văn hóa truyền thống được hình thành ngay từ buổi đầu dựng nước, trong đó tình yêu gia đình, quê
hương, đất nước, tình nghĩa xóm làng, đạo lý thương người,... mà sau này
được phát triển thành chủ nghĩa yêu nước chính là giá trị tinh thần cốt lõi.
Mặc dù có nhiều tác động tiêu cực, tuy nhiên, quá trình du nhập của
Nho giáo vào Việt Nam cũng đem lại những ý nghĩa nhất định. Về mặt văn
hóa, nó góp phần quan trọng vào tiến trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa
Việt Nam và Trung Hoa. Về mặt tư tưởng, những quan niệm của Nho giáo đã
bổ sung và làm phong phú thêm ý thức, tư tưởng của người Việt trong các
vấn đề về thế giới, về đạo đức nhân sinh với những phạm trù, những khái
niệm được lý giải sâu sắc, hệ thống. Trên phương diện chính trị - xã hội, sự
du nhập Nho giáo vào Việt Nam đã cung cấp nền tảng tư tưởng cho quá trình
quản lý xã hội, hoạch định chính sách, góp phần xây dựng bộ máy quân chủ
tập quyền, thống nhất của giai cấp cầm quyền trong xã hội phong kiến. Đối
với rất nhiều người Việt bấy giờ, việc tiếp thu Nho giáo cùng với chữ Hán
còn là cách để giữ gìn độc lập tự chủ.
Quá trình du nhập của Nho giáo nói riêng và các học thuyết nói chung
trong lịch sử tư tưởng Việt Nam để lại cho chúng ta những ý nghĩa và bài học
nhất định về sự tiếp thu các yếu tố văn hóa bên ngoài vừa để không đánh mất
chính mình, vừa làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc, tiếp thêm sinh lực
cho sự phát triển đất nước.

z2c7EokqYWq04Gi
Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status