Những vấn đề pháp lý về nhượng quyền thương mại - pdf 24

Link tải đồ án miễn phí cho anh em

CHƯƠNG I
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI VÀ PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
1.1.1. Một số quan niệm về nhượng quyền thương mại
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại, nhiều cách kinh doanh đã ra đời và phát triển rộng rãi. NQTM, tiếng Anh là franchising, là một trong những cách hiệu quả được nhiều thương nhân lựa chọn để tiến hành hoạt động kinh doanh của mình.
Franchising, hay NQTM, với tư cách là hoạt động kinh tế, xuất hiện ở Châu Âu vào khoảng giữa thế kỷ 19, với việc những nhà sản xuất bia ký hợp đồng với các chủ quán rượu để độc quyền bán bia của họ và không có bất cứ sự kiểm soát nào đối với quán rượu. Buổi ban đầu, phần lớn các nhà nhượng quyền chủ yếu dựa vào kênh sản phẩm bán cho các nhà nhận quyền để thu lợi nhuận. Cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ngoại trừ các sản phẩm được gắn nhãn hiệu của bên nhượng quyền, bên nhượng quyền không cung cấp bất kỳ dịch vụ quan trọng nào khác có liên quan đến việc kinh doanh cho bên nhận quyền. NQTM thời kỳ này được hiểu là thỏa thuận hợp đồng giữa các nhà sản xuất hàng hóa, dịch vụ với những chủ thể kinh doanh độc lập khác liên quan đến việc phân phối sản phẩm. Hình thức này được gọi là nhượng quyền phân phối sản phẩm.
Một sự đổi mới quan trọng trong lĩnh vực NQTM xuất hiện vào năm 1909 ở Mỹ với sự xuất hiện của hệ thống nhượng quyền Western Auto. Mặc dù vẫn dựa vào lợi nhuận từ việc bán sản phẩm cho bên nhận quyền chứ chưa quan tâm tới phí nhượng quyền hàng tháng, Western Auto đã cung cấp cho các bên nhận quyền của họ nhiều dịch vụ hỗ trợ tương tự như những nhà nhượng quyền ngày nay đang làm. Sự hỗ trợ này bao gồm cả việc lựa chọn địa điểm kinh doanh, đào tạo, hỗ trợ quảng cáo và nhiều sự hỗ trợ khác trong quá trình kinh doanh. Một hình thái kinh doanh nhượng quyền thương mại mới ra đời và phát triển mạnh mẽ: nhượng quyền cách kinh doanh. Theo đó, bên nhận quyền không chỉ được sử dụng nhãn hàng hóa của bên nhượng quyền mà còn được áp dụng cách kinh doanh của bên nhận quyền. Đây là hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại với ý nghĩa đầy đủ nhất theo quan điểm hiện đại. [24]
Như vậy, xét theo góc độ lịch sử hình thành, trong suốt quá trình phát triển của mình, nội dung khái niệm franchising - NQTM đã có nhiều thay đổi. Với sự tìm tòi đổi mới không ngừng của những công ty tiên phong trong lĩnh vực NQTM, trong tương lai, khái niệm này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển, với những nội dung mới, những kỹ năng kinh doanh mới được nhượng và sự mở rộng kinh doanh trên phạm vi quốc tế.
NQTM, hiểu theo nghĩa chung nhất, là việc một bên (bên nhượng quyền) trao cho bên kia (bên nhận quyền) một số quyền nhất định để đổi lấy một khoản tiền. Tuy nhiên, việc trao quyền này không có nghĩa là bên nhượng quyền trở thành chủ sở hữu của những quyền này, mà chỉ được phép khai thác những quyền này trong một khoảng thời gian xác định mà thôi. Quyền này có thể bao gồm tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ, cách kinh doanh…Bên nhận quyền được khai thác những quyền này dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của bên nhượng quyền. Để đổi lại, bên nhận quyền thường phải trả cho bên nhượng quyền tiền phí tham gia hệ thống nhượng quyền ban đầu và tiếp tục trả tiền phí nhượng quyền trong suốt quá trình khai thác quyền thương mại theo hợp đồng.
Dưới góc độ pháp lý, trên thế giới đã có nhiều định nghĩa về NQTM được đưa ra.
Một trong những ghi nhận sớm nhất của pháp luật về NQTM là một phán quyết của Toà án Paris ngày 20/4/1978. Theo phán quyết này, NQTM là:
“Một phương pháp hợp tác giữa hai hay nhiều doanh nghiệp, một bên là bên nhượng quyền, bên kia là bên nhận quyền, theo đó bên nhượng quyền, chủ sở hữu của tên thương mại hay tên pháp lý quen thuộc, các ký hiệu, các biểu tượng, nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ, một bí quyết đặc biệt, trao cho người khác quyền sử dụng một tập hợp các sản phẩm/dịch vụ, nguyên gốc hay đặc biệt, để độc quyền khai thác chúng, một cách bắt buộc và hoàn toàn theo cách thức thương mại đã được thử nghiệm, được chỉnh sửa và hoàn thiện định kỳ, để có được ảnh hưởng tốt nhất đối với thị trường, và để đạt được sự phát triển tăng tốc của hoạt động thương mại của doanh nghiệp liên quan, để đổi lấy tiền nhượng quyền hay một lợi thế; theo hợp đồng, có thể có sự hỗ trợ về sản xuất, thương mại hay tài chính, để bên nhận quyền hội nhập vào hoạt động thương mại của bên nhượng quyền, và bên nhượng quyền có thể tiến hành một số kiểm soát bước đầu đối với bên nhận quyền về việc thực hiện một phương pháp độc đáo hay một bí quyết đặc biệt, để duy trì hình ảnh của nhãn hiệu dịch vụ hay sản phẩm bán ra, và phát triển khách hàng với giá rẻ nhất, với khả năng sinh lợi lớn nhất của cả hai bên, theo đó hai bên vẫn độc lập hoàn toàn về mặt pháp luật” [15]
Theo định nghĩa rút ra từ án lệ này, một quan hệ NQTM phải đáp ứng các dấu hiệu: (1) Có sự chuyển giao một tập hợp bao gồm tên thương mại, các ký hiệu, biểu tượng, nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ, bí quyết kinh doanh… của bên nhượng quyền cho bên nhận quyền; (2) Các bên sẽ cùng khai thác tập hợp các yếu tố nói trên để tiến hành kinh doanh; (3) Có sự hỗ trợ về sản xuất, thương mại hay tài chính của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền; (4) Bên nhận quyền phải chịu sự kiểm soát nhất định của bên nhượng quyền; (5) Các bên độc lập với nhau về tư cách pháp lý.
Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (Federal Trade Comission – FTC), lại coi NQTM là:
“Thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên nhượng quyền có trách nhiệm hỗ trợ đáng kể cho bên nhận quyền trong việc điều hành doanh nghiệp và kiểm soát chặt chẽ phương pháp điều hành doanh nghiệp của bên nhận quyền. Đồng thời bên nhượng quyền phải license nhãn hiệu cho bên nhận quyền để phân phối sản phẩm/dịch vụ theo nhãn hiệu hàng hóa của bên nhượng quyền và yêu cầu bên nhận quyền thanh toán một khoản phí tối thiểu” [7]
NQTM, theo định nghĩa này, cũng là một cách kinh doanh mà trong đó một bên (bên nhượng quyền) cho phép bên kia (bên nhận quyền) sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của mình, đồng thời bên nhượng quyền có sự hỗ trợ, kiểm soát hoạt động kinh doanh đối với bên nhận quyền, và bên nhận quyền phải trả tiền cho bên nhượng quyền.
Tại Điều 284 Luật Thương mại 2005, pháp luật Việt Nam đã lần đầu tiên đưa ra một định nghĩa chính thức về NQTM. Theo đó:
“NQTM là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Định nghĩa NQTM được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam khá tương đồng với pháp luật các nước và về cơ bản đã thể hiện được bản chất của hoạt động này.
Mặc dù các cách định nghĩa đưa ra có thể không hoàn toàn giống nhau, song tất cả đều gặp nhau ở những dấu hiệu bản chất của NQTM. Đó là: Thứ nhất, đối tượng của NQTM (quyền thương mại, tiếng Anh là franchise) là sự kết hợp các yếu tố bao gồm: tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ, bí quyết, bí mật kinh doanh, cách quản lý…; Thứ hai, các bên trong quan hệ NQTM là các chủ thể độc lập với nhau về tư cách pháp lý; Thứ ba, các bên sẽ cùng nhau khai thác các giá trị thương mại của quyền thương mại, và trong quá trình khai thác chung đó, bên nhượng quyền có sự kiểm soát, hỗ trợ đối với bên nhận quyền và điều này dẫn đến sự thống nhất trong hoạt động kinh doanh của các bên.

1.1.2. Đặc điểm của hoạt động nhượng quyền thương mại
Các hoạt động NQTM diễn ra rất phong phú và đa dạng trong thực tiễn, nhưng tựu chung lại, chúng đều thể hiện một số đặc điểm cơ bản sau:
a. Về chủ thể
Chủ thể của quan hệ NQTM bao gồm bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Các chủ thể này có thể là cá nhân hay pháp nhân, là công dân trong nước hay người nước ngoài. Trong thực tế, đa số các bên tham gia quan hệ NQTM là thương nhân. Tuy nhiên, cũng có khi họ không phải là thương nhân, đặc biệt là khi NQTM diễn ra trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủ công và hành nghề tự do (ví dụ: hoạt động của nhà tư vấn về hôn nhân được thực hiện bởi một bên nhận quyền). Có thể có hai bên hay nhiều bên tham gia vào quan hệ NQTM. Bên nhượng quyền và bên nhận quyền có tư cách pháp lý độc lập với nhau và tự chịu trách nhiệm đối với những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình.
b. Về đối tượng
Đối tượng của NQTM là quyền thương mại. Nội dung của khái niệm quyền thương mại phát triển rất phong phú và có mối liên hệ đặc biệt với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Nội dung của quyền thương mại có thể khác nhau tuỳ từng trường hợp vào từng loại hình NQTM và thoả thuận giữa các bên. Nó có thể bao gồm quyền sử dụng các tài sản trí tuệ như tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ, bí mật kinh doanh… và quyền kinh doanh theo mô hình, với cách quản lý, đào tạo, tiếp thị sản phẩm của bên nhượng quyền… Quyền thương mại là một sự kết hợp các yếu tố nêu trên, từ đó tạo nên sự khác biệt của cơ sở kinh doanh trong hệ thống NQTM, giúp phân biệt với các cơ sở kinh doanh khác là đối thủ cạnh tranh. Sự lựa chọn và cách sử dụng các yếu tố này cấu thành một khía cạnh cơ bản của chính sách chung của doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh cạnh tranh.
c. Nhượng quyền thương mại là hoạt động kinh doanh theo mô hình thống nhất, theo đó bên nhận quyền phải tuân thủ mô hình nhượng quyền thương mại
Trong hoạt động NQTM, bên nhượng quyền và các bên nhận quyền cùng tiến hành kinh doanh trên cơ sở cùng khai thác quyền thương mại. Điều đó tạo ra một hệ thống thống nhất. Tính thống nhất thể hiện ở:
- Thống nhất về hành động của bên nhượng quyền và các bên nhận quyền. Các thành viên trong hệ thống NQTM phải thống nhất về mọi hành động nhằm duy trì hình ảnh đặc trưng và duy trì chất lượng đặc trưng của sản phẩm/dịch vụ.
- Thống nhất về lợi ích của bên nhượng quyền và các bên nhận quyền. Lợi ích của bên nhượng quyền và các bên nhận quyền có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc tiến hành hoạt động kinh doanh tốt hay xấu của bất kỳ một thành viên nào trong hệ thống NQTM đều có thể làm tăng hay giảm uy tín của toàn bộ hệ thống, từ đó sẽ gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến lợi ích của các thành viên còn lại.


Y6Ext9g345T2W81

Bài báo Franchise đang nóng
Cake Like Franchise Lyrics - Video Ket-noi
Hệ thống Franchise của vài công ty trên thế giới và khả năng ứng
Cake Like Franchise Lyrics - Video Ket-noi
chiến lược franchise cà phê trung nguyên mọi chủ đề
tai sao trung nguyen franchise that bai mọi chủ đề
If I start a Spirit Halloween franchise store, how much can I
Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status