Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thẩm định dự thảo văn bản qui phạm pháp luật do cơ quan tư pháp địa phương thực hiện - pdf 13

Download miễn phí



Thẩm định là một hoạt động vô cùng quan trọng, có tác động không nhỏ đến chất lượng của toàn bộ hệ thống văn bản QPPL. Nếu công tác thẩm định được thực hiện tốt sẽ nâng cao chất lượng văn bản QPPL và góp phần nâng cao uy tín của ngành tư pháp. Tuy nhiên, bản thân các cá nhân, cơ quan tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật cũng như các cá nhân đơn vị trong cơ quan tư pháp địa phương không phải tất cả đều nhận thức đầy đủ vấn đề này. Ngay một số đơn vị thẩm định trong các cơ quan Tư pháp địa phương nhiều khi vẫn xem thẩm định chỉ là công việc của một cá nhân, một nhóm người mà từ đó có cách thức tổ chức phân công thẩm định chưa ngang tầm với vai trò, vị trí của hoạt động này. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ làm công tác thẩm định.

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THẨM ĐỊNH DỰ THẢO VĂN BẢN QUI PHẠM PHÁP LUẬT DO CƠ QUAN TƯ PHÁP ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN
ThS. Đoàn Thị Tố Uyên
Giảng viên môn Xây dựng văn bản pháp luật
Đại học Luật Hà Nội
1. Thực trạng hoạt động thẩm định dự thảo văn bản qui phạm pháp luật do cơ quan Tư pháp địa phương thực hiện
1.1 Những thành tựu
Kể từ khi triển khai và thi hành Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004, công tác thẩm định đã đạt được một số thành tựu cơ bản, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng của văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) và hiệu quả quản lý Nhà nước.
Theo Báo cáo tổng kết công tác Tư pháp năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ năm 2010 thì, trong năm 2009, các cơ quan Tư pháp địa phương đã giúp HĐND và UBND các cấp soạn thảo 2.174 VBQPPL, thẩm định 30.071 văn bản, góp ý kiến cho 8.422 văn bản. Và tính đến hết ngày 30/9/2010 các cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, huyện đã thẩm định và Tư pháp xã đã góp ý kiến 46.775 văn bản đề án (tăng 8.282 văn bản so với năm 2008). Như vậy, có thể thấy công tác thẩm định đang dần được đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng. Ý kiến thẩm định đã bám sát nội dung phạm vi thẩm định theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP. Nội dung thẩm định đã chú trọng đánh giá tác động xã hội, có tính phản biện cao, góp phần đảm bảo tính khả thi và nâng cao chất lượng dự thảo văn bản. Nhiều ý kiến thẩm định của một số cơ quan Tư pháp địa phương đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản. Quy trình thẩm định văn bản đã có cải tiến nhiều so với trước đây như việc thành lập Hội đồng thẩm định là bắt buộc đối với dự thảo VBQPPL có nội dung phức tạp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đã huy động được sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều ngành, lĩnh vực có liên quan, qua đó đưa ra ý kiến phản biên tập thể giúp cơ quan soạn thảo nhìn nhận vấn đề một cách chính xác và khách quan hơn. Cũng thông qua hoạt động góp ý, thẩm dịnh VBQPPL đã phát hiện và kiến nghị chỉnh lý nhiều vấn đề thuộc nội dung của nhiều dự thảo chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều quy định pháp luật, phục vụ hiệu quả quản lý Nhà nước.
Tại nhiều địa phương, lãnh đạo HĐND, UBND đánh giá cao công tác thẩm định văn bản, thể hiện sự tin tưởng thông qua việc chỉ ký ban hành văn bản khi đã có ý kiến thẩm định của cơ quan Tư pháp. Chẳng hạn: Kon Tum, Quảng Nam,, Đà Nẵng, Bắc Ninh… Điều này phản ánh sự nỗ lực của toàn ngành trong việc phấn đấu trở thành “Người gác cổng” đáng tin cậy của chính quyền các cấp trong việc ban hành chính sách, pháp luật, đồng thời cho thấy các Sở Tư pháp và phòng Tư pháp ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc tham mưu giúp HĐND, UBND các cấp ban hành VBQPPL. Thực tế cho thấy, đã có một số địa phương làm rất tốt công tác này, nhất là việc thẩm định các dự thảo văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh như: Nam Định, Nghệ An, Kon Tum, Thanh Hoá, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng… Tại Nghệ An năm 2008 tổng số văn bản đã thẩm định là 5.150 văn bản (chiếm 17,0% tổng số văn bản đã thẩm định trong cả nước). Hay tại Thanh Hoá năm 2008 tổng số văn bản đã thẩm định là 12.349 văn bản (chiếm 40,8% tổng số văn bản đã thẩm định trong cả nước), trong đó có một số huyện quy định văn bản khi trình ký phải có chữ ký tắt của Chánh văn phòng và Trưởng phòng Tư pháp Huyện như Triệu Sơn (năm 2009 tổng số văn bản cơ quan Tư pháp huyện đã thẩm định, Tư pháp xã có ý kiến là 2361 văn bản), Thọ Xuân (1217 văn bản), Yên Định 314 văn bản
Song song với việc tăng lên về số lượng thì công tác thẩm định dự thảo VBQPPL của các cơ quan Tư pháp địa phương cũng đã và đang được nâng cao về chất lượng. Trên thực tế, các nguyên tắc cơ bản của công tác thẩm định, nội dung, trình tự, thủ tục thẩm định cũng như các điều kiện bảo đảm cho công tác thẩm định đang dần dần được xác lập và đi vào nề nếp.Qua xem xét một số báo cáo thẩm định của các Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp trong năm 2009 và 2010, hầu như các báo cáo thẩm định đều đề cập đến sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng phạm vi điều chỉnh của văn bản, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo, ngôn ngữ kỹ thuật soạn thảo. Mặc dù chưa có một văn bản nào quy định về các tiêu chí cụ thể cho các nội dung phạm vi thẩm định nhưng một số Sở Tư pháp đã vận dụng Luật một cách linh hoạt cùng với kinh nghiệm thực tế để có cơ sở đưa ra những kết luận thẩm định. Nhờ có công tác thẩm định mà hàng năm tại nhiều địa phương, số lượng VBQPPL ban hành có nội dung sai trái không phù hợp đã phần nào đó được thuyên giảm mặc dù tỷ lệ này vẫn còn cao ở một số địa phương.
Hoạt động thẩm định dự thảo VBQPPL của cơ quan Tư pháp địa phương đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên là do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là do đội ngũ cán bộ làm công tác đang dần dần được tăng thêm về số lượng và nâng cao về trình độ, ít nhiều đã có kinh nghiệm trong công tác này; Hệ thống cơ sở vật chất phương tiện phục vụ cho công tác cũng dần được cải thiện và nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác văn bản của địa phương nói chung và công tác thẩm định nói riêng đã được nâng lên.
1.2 Những hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động thẩm định dự thảo VBQPPL của các cơ quan Tư pháp địa phương còn bộc lộ một số khiếm khuyết và hạn chế cần được khắc phục sớm.
Thứ nhất, vẫn còn tình trạng ban hành văn bản qui phạm pháp luật nhưng bỏ qua khâu thẩm định của cơ quan Tư pháp. Số VBQPPL ở địa phương được ban hành nhưng chưa qua thẩm định là rất nhiều cụ thể 17.098/72.407 văn bản được ban hành, điển hình như Bình Định tổng số văn bản được ban hành là 1027 văn bản nhưng chỉ có 537 văn bản được thẩm định, vẫn còn 490 văn bản chưa qua thẩm định (chiếm 47,7%). Hay ở Quảng Ngãi số văn bản ban hành là 889 văn bản nhưng chỉ có 421 văn bản được thẩm định,vẫn còn 468 văn bản chưa được thẩm định(chiếm 52,6%).Tỷ lệ này cũng còn rất cao tại Thừa Thiên Huế cụ thể 828/1462 văn bản được ban hành(chiếm 56,6%) tức chỉ có 634 văn bản đã qua thẩm định. Một trong những nguyên nhân của thực tế này là do các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo VBQPPL chưa coi trọng vai trò của cơ quan Tư pháp. Mặc dù Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND đã quy định việc thẩm định pháp lý đối với các dự thảo VBQPPL của UBND về nguyên tắc thuộc trách nhiệm của các cơ quan Tư pháp địa phương (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp), nhưng ở một số địa phương khi quy định về trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL của UBND tỉnh đã không quy định rõ Sở Tư pháp là cơ quan có chức năng thẩm định tính pháp lý của dự thảo văn bản như: Bình Định, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế… Hay ở tỉnh Yên Bái, do một số ngành chức năng quản lý lĩnh vực cụ thể cho rằng cơ quan Tư pháp không am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ trong từng lĩnh vực quản lý cụ thể nên không cần thiết phải có ý kiến tham gia của Sở Tư pháp đối với dự thảo văn bản mà các ngành đó trực tiếp soạn thảo rồi trình UBND xem xét, ban hành.
Thứ hai, hoạt động thẩm định ở một số nơi còn mang tính hình thức, nội dung thẩm định chưa sâu, chưa toàn diện, chưa tạo cơ sở để tham mưu giúp UBND các cấp quyết định những vấn đề quan trọng và còn có ý kiến khác nhau của dự thảo VBQPPL vẫn còn diễn ra và cần được kịp thời chấn chỉnh. Hầu như các báo cáo thẩm định đều “đồng ý như dự thảo”. Các cơ quan Tư pháp, một phần do chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ chưa cao, các điều kiện bảo đảm cho công tác chưa đầy đủ nên đã dẫn đến tình trạng thẩm định qua loa, ít nghiên cứu xem xét văn bản được ban hành thực sự cần thiết chưa, có phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và khi văn bản được ban hành có thể thực thi. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều văn bản được ban hành không đáp ứng yêu cầu. Không những thế, việc thẩm định VBQPPL của địa phương ở một số nơi còn chưa được nhận thức đúng đắn. Nhiều văn bản khi ban hành sai bị xử lý, trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản được đặt ra, trong đó có trách nhiệm của cơ quan tham mưu soạn thảo, cơ quan có trách nhiệm soạn thảo lập luận vấn đề này đã được thẩm định. Tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ thì chưa có việc thẩm định của cơ quan Tư pháp,. Trong trường hợp này cơ quan có trách nhiệm soạn thảo đã nhầm lẫn khái niệm “thẩm định chuyên ngành” và “thẩm định VBQPPL”.


XIY4JVz6OR0r57Q

Tài liệu, ebook tham khảo khác

Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status