Khám nghiệm hiện trường - pdf 16

Download miễn phí Khóa luận Khám nghiệm hiện trường


LỜI MỞ ĐẦU

1. Lý do lựa chọn đề tài
Những năm qua kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, những lợi ích mà kinh tế đem lại cho đời sống xã hội là không thể phủ nhận xong cũng cần quan tâm đến mặt trái của nó. Cùng với tăng trưởng kinh tế, những vấn đề về xã hội cũng cần được quan tâm, một trong số đó là vấn đề tội phạm. Điều này thể hiện ở việc gia tăng tội phạm không chỉ về số lượng mà còn xuất hiện rất nhiều loại tội phạm mới. Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tội phạm còn gia tăng với xu hướng sử dụng các công cụ phương tiện và cách phạm tội ngày càng tinh vi hơn. Điều này khiến cho công tác điều tra tội phạm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Việc tội phạm sử dụng các thành tựu khoa học tiên tiến trên thế giới vào hành vi phạm tội của mình đòi hỏi công tác điều tra, khám phá tội phạm cũng cần đổi mới về phương tiện và cách thức tiến hành điều tra.
Chính vì vậy, đã đến lúc công tác khám nghiệm hiện trường nói riêng và công tác điều tra tại hiện trường nói chung cần được quan tâm đúng mức. Hiện nay, khám nghiệm hiện trường thường không được coi trọng so với các hoạt động điều tra khác. Nhiều quan điểm cho rằng, hiệu quả của công tác điều tra phá án phụ thuộc nhiều vào việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng... Trong khi đó, hiện trường lại là nơi lưu giữ nguồn chứng cứ vật chất quan trọng đối với bất kỳ một vụ việc mang tính hình sự nào. Mỗi hành vi được thực hiện đều gây ra những tác động lên thế giới vật chất xung quanh. Do đó, dù muốn hay không thì một hành vi phạm tội được thực hiện cũng sẽ để lại những dấu vết. Điều này vô cùng quan trọng vì tội phạm ngày càng trở nên tinh vi và chuyên nghiệp hơn, chỉ có những chứng cứ xác thực, mà một số lượng không nhỏ, thu được tại hiện trường mới giúp khám phá sự thật vụ án.
Trước tình hình đó, việc nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp tăng cường hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường nói riêng và công tác điều tra khám phá tội phạm nói chung là cần thiết. Để làm được điều này, cần nghiên cứu có hệ thống hoạt động khám nghiệm hiện trường nhằm thấy được những thành tựu cũng như tồn tại thiếu sót, trên cơ sở đó đưa ra những đề xuất tích cực giúp hoàn thiện hệ thống lý luận cũng như nâng cao hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường trên thực tế. Chính vì vậy, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “Khám nghiệm hiện trường” là phù hợp với thực tiễn hiện nay.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng: đề tài nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về công tác khám nghiệm hiện trường và thực trạng của công tác này tại Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tế.
* Phạm vi nghiên cứu:
Về mặt lý luận, đề tài nghiên cứu khái niệm, vai trò của công tác khám nghiệm hiện trường đối với thực tiễn điều tra hình sự, trình tự cơ bản của khám nghiệm hiện trường cũng như những yêu cầu pháp lí đặt ra đối với hoạt động này.
Về mặt thực tiễn, đề tài khảo sát, nghiên cứu thực trạng công tác khám nghiệm hiện trường trong thời gian từ 2001 đến nay.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu có hệ thống các vấn đề lý luận về khám nghiệm hiện trường và thực tiễn công tác khám nghiệm hiện trường thời gian qua tại Việt Nam. Khẳng định tầm quan trọng của khám nghiệm hiện trường trong điều tra hình sự. Bên cạnh đó, đề cập tới những hạn chế, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của khám nghiệm hiện trường.
4. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu dựa trên phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của CN Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật cũng như những quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể gồm: phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê... được sử dụng trong quá trình nghiên cứu đề tài.

5. Cấu trúc đề tài
Cấu trúc khóa luận gồm ba phần: phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận.
Phần nội dung gồm ba chương:
- Chương I: Một số vấn đề lý luận cơ bản về khám nghiệm hiện trường.
- Chương II: Trình tự khám nghiệm hiện trường.
- Chương III: Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của khám nghiệm hiện trường.





CHƯƠNG I
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ KHÁM NGHIỆM
HIỆN TRƯỜNG

1. Khái niệm hiện trường và phân loại hiện trường
1.1. Khái niệm
“Hiện trường” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội. Từ điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội năm 1997 viết: “Hiện trường là nơi xảy ra sự việc”. Đây là một khái niệm có tính khái quát chung nhất cho các loại hiện trường. Khái niệm này đã chỉ rõ những thuộc tính cơ bản của hiện trường. Đó là:
- Thứ nhất, hiện trường là “nơi”, đó là sự tồn tại của một địa điểm trong không gian xác định, ở đó xảy ra một sự việc, hiện tượng và sự việc hiện tượng đó được kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.
- Thứ hai, phải có sự việc xảy ra, những sự việc này mang tính chất bất kỳ, ngẫu nhiên. Điều đó có nghĩa là mỗi sự việc, hiện tượng, quá trình nào đó xảy ra trong hiện thực khách quan thì đều phải có hiện trường.
Trong điều tra hình sự nói riêng cũng như trong tố tụng hình sự nói chung, nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ khái niệm “hiện trường” có ý nghĩa quan trọng trong công tác điều tra, xét xử và phòng ngừa tội phạm.
Điều 150 Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) quy định: “Điều tra viên tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án...” Theo quy định này của Bộ luật TTHS, hiện trường được hiểu là nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm. Tuy nhiên, khoản 2, Điều 150 Bộ luật TTHS cũng quy định “khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự...”. Có nghĩa là việc khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi xác định có hay không có hành vi phạm tội và khám nghiệm hiện trường trong giai đoạn tố tụng này giúp cho cơ quan có thẩm quyền thu thập những tài liệu quan trọng nhằm xác định có hành vi phạm tội xảy ra hay không, trên cơ sở đó quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Do đó, trên thực tế sẽ tồn tại trường hợp khám nghiệm hiện trường đã được thực hiện nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, tức là không có tội phạm, cũng có nghĩa là hiện trường đã được khám nghiệm trước đó không phải là “nơi phát hiện tội phạm” theo như quy định của Bộ luật TTHS. Để khắc phục tình trạng này, khoa học điều tra hình sự đưa ra khái niệm “hiện trường” bao quát và toàn diện hơn.
Hiện trường theo quan điểm của khoa học điều tra hình sự được khái niệm như sau: “hiện trường là nơi xảy ra, nơi phát hiện các vụ phạm tội hay vụ việc mang tính hình sự”. Khái niệm này bao hàm hai nội dung:
Thứ nhất, khái niệm chỉ rõ hình thức tồn tại của hiện trường với tư cách là một địa điểm cụ thể có một khoảng không gian xác định và tồn tại trong khoảng thời gian nào đó. Hiện trường gồm hai loại địa điểm đó là nơi xảy ra và nơi phát hiện ra vụ phạm tội hay vụ việc mang tính hình sự.
- Nơi xảy ra vụ việc là nơi mà quá trình diễn biến của các vụ phạm tội hay vụ việc mang tính hình sự đã để lại những dấu vết, vật chứng trên đó. Nơi xảy ra vụ việc có thể là: nơi chuẩn bị, nơi tiến hành, nơi che giấu hành vi phạm tội
- Nơi phát hiện vụ việc có thể chính là nơi xảy ra tội phạm hay các vụ việc mang tính hình sự hay không là nơi xảy ra nhưng có thể là nơi tìm thấy được các dấu vết, vật chứng có liên quan đến vụ việc đó. Trong trường hợp nơi phát hiện vụ việc khác nơi xảy ra vụ việc, đó có thể là:
+ Nơi phát hiện ra dấu vết trong vụ phạm tội hay vụ việc mang tính hình sự.
+ Nơi phát hiện ra công cụ, phương tiện phạm tội.
+ Nơi bắt giữ tội phạm đang trên đường vận chuyển: tức là hành vi được quy định trong cấu thành tội phạm đã hoàn thành rồi nhưng trên đường lưu thông vận chuyển thì bị phát hiện, bắt giữ.
Thứ hai, hiện tượng vật chất xảy ra trong không gian hiện trường là các vụ phạm tội hay những vụ việc mang tính hình sự.
- Các vụ phạm tội: được quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hay vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.”
- Những vụ việc có tính hình sự là những hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa xác định được đầy đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Ví dụ những sự cố kỹ thuật bất thường, những vụ chết người không tự nhiên.v.v..., những trường hợp này vẫn cần tiến hành khám nghiệm hiện trường để xác định đúng nguyên nhân của sự việc, từ đó quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Như vậy, khoa học điều tra hình sự đã xây dựng được một khái niệm về hiện trường tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo khoa học. Điều này rất có ý nghĩa đối với công tác khám nghiệm hiện trường, giúp cơ quan điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu phục vụ cho các bước điều tra tiếp theo.

CHƯƠNG I 4
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ KHÁM NGHIỆM 4
HIỆN TRƯỜNG 4
1. Khái niệm hiện trường và phân loại hiện trường 4
1.1. Khái niệm 4
1.2. Phân loại hiện trường 6
2. Vai trò của khám nghiệm hiện trường trong điều tra hình sự 8
3. Phương pháp khám nghiệm hiện trường 12
3.1. Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo khu vực (phương pháp chia ô) 13
3.2. Phương pháp khám nghiệm hiện trường dựa vào cách gây án đã được nhận định 13
3.3. Phương pháp khám nghiệm theo hình xoáy ốc từ ngoài vào trung tâm hay từ trung tâm ra ngoài 14
3.4. Phương pháp khám nghiệm theo đường song song 15
3.5. Phương pháp khám nghiệm theo cách cuốn chiếu 15
CHƯƠNG II 17
TRÌNH TỰ KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG 17
1. Chuẩn bị khám nghiệm hiện trường 17
1.1. Chuẩn bị trước khi đến hiện trường 17
1.1.1. Chuẩn bị lực lượng 17
1.1.2. Chuẩn bị phương tiện 19
1.2. Chuẩn bị khi đến hiện trường 19
2. Tiến hành khám nghiệm hiện trường 20
2.1. Quan sát hiện trường (khám nghiệm sơ bộ) 21
2.2. Khám nghiệm tỉ mỉ 23
3. Kết thúc khám nghiệm hiện trường 28
3.1. Họp rút kinh nghiệm 28
3.2. Đánh giá sơ bộ dấu vết, vật chứng và những tin tức, tài liệu thu được tại hiện trường 29
3.3. Đóng gói, niêm phong và vận chuyển dấu vết, vật chứng 30
4. Các văn bản của công tác khám nghiệm hiện trường 32
4.1. Biên bản khám nghiệm hiện trường 32
4.2. Sơ đồ hiện trường 33
4.3. Bản ảnh hiện trường 34
4.4. Báo cáo khám nghiệm hiện trường 35
CHƯƠNG III 36
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG 36
1. Thực trạng hoạt động khám nghiệm hiện trường trong thời gian qua 36
1.1. Kết quả 36
Tổng số vụ 37
1.2. Những tồn tại, thiếu sót và nguyên nhân 38
2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của khám nghiệm hiện trường trong điều tra hình sự 40
2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật 40
2.2. Cần nâng cao năng lực của điều tra viên và kỹ thuật viên khám nghiệm hiện trường 42
2.3. Bổ sung phương tiện kỹ thuật hình sự hiện đại cho công tác khám nghiệm hiện trường 43
2.4. Cần làm tốt công tác bảo vệ hiện trường 45
2.5. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường và với các lực lượng nghiệp vụ khác 46
KẾT LUẬN 49
TÀI LIỆU THAM KHẢO 50



vfPcQ92y7G4Q2O3
Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status