Tình huống tố tụng hình sự và bài giải - pdf 13

Link tải luận văn miễn phí cho ae
1. Hãy nhận xét quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can của cơ quan điều tra huyện H.
Theo dữ kiện đề bài, M, N và Q “vào kho quân nhu của quân đội trộm cắp quần áo bộ đội trị giá 15 triệu đồng”, tức hành vi phạm tội của M, N và Q đã gây thiệt hại cho quân đội. Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh tổ chức tòa án quân sự đã quy định thẩm quyền xét xử đối với những trường hợp phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hay gây thiệt hại cho Quân đội thuộc về Tòa án quân sự, do đó vụ án này thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, cụ thể là thuộc về Tòa án quân sự khu vực. Khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân như sau: Cơ quan điều tra hình sự khu vực điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXIII của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự khu vực, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương. Do đó thẩm quyền điều tra vụ án này thuộc về Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân cấp khu vực, hay cơ quan điều tra Công an huyện H đã điều tra không đúng thẩm quyền.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (viết tắt là BLTTHS) quy định thẩm quyền điều tra thuộc về Cơ quan điều tra có thẩm quyền nơi xảy ra hành vi phạm tội. Vì vậy, nếu kho quân nhu của quân đội không nằm trên địa bàn nơi M, N, Q cư trú thì cơ quan điều tra Công an huyện H đã vi phạm cả thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ.
Nói tóm lại, cơ quan điều tra Công an huyện H đã điều tra không đúng thẩm quyền. Do đó, quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can của cơ quan điều tra huyện H là không đúng thẩm quyền.

2. Khi kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát thấy rằng việc điều tra của cơ quan điều tra không đúng thẩm quyền, Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra công an huyện H ra quyết định chuyển vụ án cho cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân. Quyết định đó của Viện kiểm sát đúng hay sai? Tại sao?
Yêu cầu của Viện kiểm sát là sai, vì:
Theo như phân tích ở trên thì việc điều tra của cơ quan điều tra công an huyện H là không đúng thẩm quyền, nhưng thẩm quyền chuyển vụ án trong trường hợp này không thuộc về cơ quan điều tra huyện H. Điều 116 BLTTHS đã quy định: Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điểu tra của mình, Cơ quan điều tra phải đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp có trách nhiệm ra quyết định chuyển vụ án. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hay ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định. Do đó, trong trường hợp này, khi phát hiện ra việc điều tra của cơ quan điều tra huyện H là không đúng thẩm quyền thì Viện kiểm sát phải ra quyết định chuyển vụ án cho cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân chứ không phải yêu cầu cơ quan điều tra huyện H chuyển vụ án.
Quy định này xuất phát từ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát đó là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra cũng phải nằm dưới sự kiểm sát chặt chẽ của Viện kiểm sát và Viện kiểm sát có quyền và có trách nhiệm xử lý những sai phạm, những lệnh, quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra.

3. Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có thẩm quyền phát hiện dấu hiệu của tội cướp tài sản do M và N đã thực hiện trước đó. Cơ quan điều tra giải quyết như thế nào? Tại sao?
Trong trường hợp này cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội cướp tài sản theo căn cứ khởi tố vụ án hình sự tại điều 100 BLTTHS vì đã xác định có dấu hiệu tội phạm.
Lúc này sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra :
– Trường hợp thứ nhất, sau khi điều tra đã đủ căn cứ xác định M và N có hành vi phạm tội cướp tài sản thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố bị can đối với M và N về tội cướp tài sản (theo tiểu mục 11.3 mục 11 Thông tư liên tịch 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP, gọi tắt là Thông tư 05)
Ngoài ra, có thể thấy đây là trường hợp bị can phạm nhiều tội nên cơ quan điều tra có thẩm quyền còn phải xem xét việc nhập hai vụ án để tiến hành điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 117 BLTTHS: Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm …
Sở dĩ Bộ luật có quy định trên là do trong những trường hợp bị can phạm nhiều tội, rất có thể các tội phạm trên có liên quan đến nhau cần được cùng xem xét trong một vụ án để tiết kiệm thời gian, công sức đồng thời làm sáng tỏ hành vi phạm tội.
– Trong trường hợp không có đủ căn cứ xác định M và N có hành vi cướp tài sản thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án cướp tài sản theo điểm b khoản 1 Điều 164 BLTTHS.

4. Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy rằng việc điều tra của cơ quan điều tra chưa đầy đủ. Viện kiểm sát giải quyết như thế nào? Tại sao?
Theo tình tiết trong đề bài, trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy rằng việc điều tra của Cơ quan điều tra chưa đầy đủ, theo đó sẽ có thể xảy ra các trường hợp sau :
– Nếu việc điều tra của Cơ quan điều tra là không đầy đủ nhưng việc thiếu sót đó không lớn, không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án thì Viện kiểm sát sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo.
– Nếu Cơ quan điều tra không đầy đủ, thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án nhưng Viện kiểm sát có thể tự mình bổ sung được thì Viện kiểm sát sẽ tiến hành bổ sung các chứng cứ đó và tiến hành các thủ tục tiếp theo; nhưng nếu Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung các chứng cứ đó thì Viện kiểm sát sẽ ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo khoản 1 Điều 168 BLTTHS.
Theo như quy định tại khoản 2 Điều 121 BLTTHS thì Viện kiểm sát chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung không quá hai lần do đó, để tránh tình trạng đã sử dụng hết số lần được phép trả hồ sơ mà vẫn chưa giải quyết xong những vấn đề cần bổ sung thì Kiểm sát viên phải nghiên cứu ký hồ sơ tài liệu trong hồ sơ nhằm phát hiện tất cả các vấn đề cần bổ sung để chỉ trả hồ sơ một lần là giải quyết đầy đủ các vấn đề cần bổ sung hay làm rõ thêm.
Quy định này của pháp luật nhằm đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử thật sự khách quan, toàn diện và đầy đủ. Viện kiểm sát có quyền ra quyết định trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót và vi phạm của Cơ quan điều tra, bảo đảm giải quyết vụ án trong thời hạn mà pháp luật đã quy định.



L61RdPA0LrSKK1C
Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status