Cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - pdf 13

Link tải luận văn miễn phí cho ae Kết nối
MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong thế kỉ XX, thương mại quốc tế đã chuyển từ hệ thống chính trị đa cực dựa trên sự liên kết giữa các quốc gia sang một hệ thống hợp tác về mặt kinh tế mang tính chất khu vực với những nét đặc trưng riêng. Điều không thể tránh khỏi của sự hợp tác tăng cường thông qua các thoả thuận song phương, khu vực và quốc tế là sự xuất hiện các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và thực hiện các thoả thuận quốc tế. Theo đó, một cơ chế đáng tin cậy cho việc giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh đã trở nên cần thiết để đảm bảo chức năng hiệu quả và liên tục của các thoả thuận quốc tế này. Trong những năm qua, các cơ chế giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp thương mại nói riêng đã phát triển từ các cơ chế tương đối đơn giản dựa trên con đường ngoại giao như đã đề ra trong GATT, đến các cơ chế mang tính chất pháp lý dựa trên việc xét xử được tìm thấy trong WTO. Các hiệp định song phương và khu vực hay các thiết chế khu vực chẳng hạn như NAFTA, EU đã thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên quy trình xét xử ở các mức độ khác nhau.
Từ sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhất vào năm 1976, ASEAN đã dẫn đầu việc tạo ra một khối thương mại khu vực trong khu vực Đông Nam Á, hợp tác và phát triển kinh tế giữa các nước trong khu vực ASEAN bắt đầu được quan tâm. Đã có nhiều văn kiện pháp lý về kinh tế - thương mại được ký kết trong khuôn khổ ASEAN trong thời kì này như: Thoả thuận ưu đãi thương mại (PTA) năm 1977, Chương trình liên doanh công nghiệp ASEAN (AIJV) năm 1983, Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 1987,… Tuy nhiên, trong thời kì đầu liên kết kinh tế, mức độ hợp tác diễn ra chậm bởi thời kì này ASEAN coi hợp tác khu vực nói chung và hợp tác an ninh chính trị nói riêng là biện pháp quan trọng để hoà bình ổn định khu vực, coi đây là nền tảng cho những bước hợp tác quan trọng trong tương lai của ASEAN. Phải tới đầu những năm 90, hợp tác phát triển kinh tế khu vực mới được chú trọng và có những bước tiến đáng kể. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 tại Singapore năm 1992, các nước ASEAN đã thông qua Tuyên bố Singapore, Hiệp định khung về tăng cường hợp tác ASEAN và đặc biệt là quyết định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) trên cơ sở Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEFT), tiếp đó là hành loạt các điều ước quốc tế khác được ký kết trong lĩnh vực kinh tế - thương mại của ASEAN (Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ năm 1995, Hiệp định khung ASEAN về hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ năm 1995, Hiệp đinh cơ bản về hợp tác công nghiệp năm 1996,…). Cũng như trong các khối thương mại khác, trước sự phát triển nhanh chóng của hoạt động hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ASEAN, yêu cầu thiết yếu cần xây dựng một cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực này một cách hiệu quả và khả thi. Việc nghiên cứu về cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Do vậy, tác giả đã chọn đề tài “Cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á” cho luận văn của mình.
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
Hợp tác giữa các quốc gia ASEAN ngày càng được mở rộng ở nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là lĩnh vực thương mại với mục tiêu nỗ lực hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN thành Cộng đồng kinh tế vào năm 2020. Song song với điều đó là một loạt các tranh chấp phát sinh từ việc giải thích, thực hiện hay áp dụng các hiệp định, thoả thuận được ký kết song phương hay đa phương. Hiện nay, trong giáo trình luật quốc tế của các cơ sở đào tạo luật chưa đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Còn trong các công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Luật học, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật,… đã đề cập tới cơ chế trên tuy nhiên các công trình nghiên cứu này mới chỉ nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp nói chung của ASEAN chứ chưa nghiên cứu sâu cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế - thương mại của ASEAN.
3. Mục đích và phạm vi nghiên cứu của luận văn
a. Mục đích nghiên cứu của luận văn
Luận văn nghiên cứu sự phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi tắt là cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của ASEAN) xuất phát từ mô hình ngoại giao là chủ yếu sang một hệ thống dựa trên các quy định pháp luật với tham chiếu cụ thể là bối cảnh ASEAN. Từ đó có cơ sở khoa học để đánh giá pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cụ thể là đánh giá mức độ việc thông qua Nghị định thư về tăng cường giải quyết tranh chấp năm 2004 để từ đó có thể tiến hành giải quyết các vụ tranh chấp thương mại phát sinh trong khu vực.
Bên cạnh đó, Luận văn cũng nghiên cứu xác định các triển vọng và thách thức mà ASEAN phải đối mặt trong việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của mình dựa trên việc so sánh với cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại trong các hiệp định thương mại khác. Mặt khác, Luận văn xem xét cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của Việt Nam hiện nay, phương hướng và một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp thương mại để hài hoà hoá với cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của ASEAN.
b. Phạm vi nghiên cứu của luận văn
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các quốc gia luôn được nhìn nhận là lĩnh vực phức tạp. Mặt khác, với sự phát triển của quan hệ quốc tế hiện nay, thực tiễn của hoạt động giải quyết các tranh chấp thương mại ở các tổ chức quốc tế nói chung và của ASEAN nói riêng đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu. Bản luận văn không đề cập được đến tất cả các vấn đề mà chỉ tập trung nghiên cứu các nội dung sau:
- Những vấn đề lý luận cơ bản về giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Triển vọng và thách thức của ASEAN trong việc thực thi cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của khu vực mình dựa trên việc so sánh với cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại trong các hiệp định thương mại khác.
- Thực tiễn giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của ASEAN
- Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại của Việt Nam
c. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành mục đích và những nhiệm vụ đặt ra, luận văn đã được tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phương pháp liệt kê, phương pháp tổng hợp,… Đặc biệt, các phương pháp nghiên cứu đặc trưng của khoa học pháp lý như: phương pháp phân tích, phương pháp quy nạp và diễn dịch, phương pháp so sánh,… được sử dụng chủ yếu trong luận văn.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn
Qua quá trình nghiên cứu, luận văn góp phần làm rõ hơn sự phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của ASEAN và pháp luật của ASEAN về giải quyết tranh chấp thương mại, tạo cơ sở khoa học để làm rõ và bước đầu hoàn thiện pháp luật quốc gia về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Về mặt thực tiễn, luận văn giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của ASEAN. Từ đó có những kiến thức cơ bản về cơ chế này trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng.
5. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề cơ bản về cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Chương 2: Pháp luật và thực tiễn vận hành cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Chương 3: Một số phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam để đáp ứng cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại của ASEAN
Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ - THƯƠNG MẠI CỦA HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á

1.1. TỔNG QUAN QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ - THƯƠNG MẠI CỦA HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á
Trong thập kỷ đầu mới thành lập, hoạt động của ASEAN chủ yếu tập trung vào các vấn đề văn hoá, chính trị và tăng cường mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau để củng cố, hợp tác phát triển mối quan hệ đoàn kết trong khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia thành viên cố tránh các va chạm, căng thẳng, các tranh chấp, xung đột chủ yếu được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải hay theo cơ chế chung của hệ thống pháp luật quốc tế [2]. Thời kỳ này, ASEAN chưa có một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng trong khu vực. Tuyên bố Băng - kốc năm 1967 ghi nhận khẳng định bước đầu của các nước ASEAN cùng nhau thúc đẩy hoà bình, ổn định khu vực thông qua việc tôn trọng công lý, các nguyên tắc pháp luật trong quan hệ giữa các quốc gia và Hiến chương của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Tuyên bố này chủ yếu nhấn mạnh vào sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội giữa các quốc gia thành viên ASEAN mà chưa thực sự đề ra một cơ chế giải quyết tranh chấp rõ rệt cho các tranh chấp giữa các nước này.
Thập kỷ sau, các hoạt động thương mại có chiều hướng chuyển sang thương mại quốc tế và khu vực. Hàng loạt các văn kiện về hợp tác kinh tế khu vực đã được ký kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Tiếp theo Tuyên bố Băng - kốc năm 1967, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á đã được ký kết tại Bali (Indonesia) ngày 23-24/2/1976 (còn được gọi tắt là Hiệp ước Bali hay TAC). Đúng như tên gọi của Hiệp ước, mục đích của Hiệp ước này là duy trì nền hoà bình vĩnh viễn, thúc đẩy sự thân thiện và hợp tác lâu bền góp phần tăng cường tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ giữa các nước tham gia Hiệp ước. TAC được đánh giá là văn kiện quan trọng, đề ra các nguyên tắc cơ bản tạo nền tảng cho các quan hệ hợp tác bền vững giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Đồng thời, TAC cũng quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình và đưa ra cơ chế chung giải quyết các tranh chấp trên các lĩnh vực hợp tác an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội…của ASEAN. Do đó, trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, TAC được đánh giá là bộ quy tắc chỉ đạo cho ra đời một cơ chế chung để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, với cơ chế quy định tại TAC thì vai trò của ASEAN chưa thật sự trở thành “bánh xe chính” trong quá trình giải quyết tranh chấp của khu vực.



3cj2HPR22CSld9o
Music ♫

Copyright: Tài liệu đại học © DMCA.com Protection Status